Thị trường ôtô 2023 bị ảnh hưởng lớn từ kinh tế vĩ mô
Thị trường ôtô 2023 nguy cơ 'ảm đạm như thời covid'
Theo đại diện các hãng và chuyên gia trong ngành, thị trường ôtô 2023 đứng trước nguy cơ suy thoái vì ảnh hưởng lớn từ kinh tế vĩ mô.
Một buổi sáng đầu tuần cuối tháng 2, anh Hữu Phúc (TP HCM) mang chiếc Mitsubishi Mirage đến đại lý để bảo dưỡng định kì. Mua chiếc hatchback cỡ nhỏ từ 2016, anh Phúc tính đổi xe mới bằng mẫu bán tải Triton để thuận tiện hơn mỗi lần đưa gia đình về quê Lâm Đồng.
"Nghĩ thế thôi chứ lãi suất vay bây giờ cao quá, 13-14%, không dám chi tiền lúc này. Ưu tiên bây giờ vẫn là công việc kinh doanh của mình", anh Phúc nói.
Cân đo, dè dặt khi mua ôtô đang là tâm lý chung của nhiều khách hàng tại Việt Nam. Thanh khoản trên thị trường ôtô mới, cũ vì thế đều chững lại sau giai đoạn Tết Nguyên đán. Các chuyên gia trong ngành đều dự đoán một năm 2023 ảm đạm như những năm chịu ảnh hưởng của Covid-19, và mốc nửa triệu xe bán ra của 2022 khó có thể thiết lập lại.
Nhu cầu sắm ôtô giảm mạnh
Sự trầm lắng của thị trường ôtô không phải sau Tết Nguyên đán mới diễn ra mà từ quý cuối năm 2022. Điều này đi ngược với quy luật thông thường của thị trường, bởi các tháng cuối năm là giai đoạn người dân rầm rộ sắm xe chơi Tết. Sau Tết, khi các hoạt động kinh tế trở lại guồng quay, nhu cầu sắm xe dù chưa tăng mạnh nhưng cũng phục hồi nhẹ.
Bắt đầu từ tháng 10/2022, sức mua ôtô bắt đầu sụt giảm dần. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) ghi nhận doanh số giảm liên tiếp 4 tháng qua. Hyundai Thành Công, hãng bán xe Hyundai cũng vậy, ngoại lệ có tháng 12 khi các đơn hàng nợ được đại lý dồn trả nên doanh số tăng cao.
Đến tháng 1/2023 (tháng có Tết), thị trường giảm mạnh hơn. VAMA và các hãng xe nhập khẩu bán tổng 17.314 xe, giảm 51% so với tháng 12/2022. Hyundai Thành Công, thương hiệu phân phối xe Hyundai đạt doanh số 3.496, giảm 64% so với tháng liền kề trước đó. VinFast ghi nhận mức giảm lớn hơn, 92% khi chỉ có 358 xe điện giao đến khách hàng. Con số của tháng 12/2022 là 4.278 xe.
Tổng hợp doanh số VAMA, các hãng xe nhập khẩu, Hyundai Thành Công và VinFast, toàn thị trường tiêu thụ 21.168 xe, giảm 57%. Không một hãng xe phổ thông nào trên thị trường trong tháng 1 có mức tăng trưởng dương so với tháng trước đó. So với cùng kỳ năm 2022 cũng tương tự (trừ Ford).
"Thống kê lượng đặt hàng của đại lý trong tháng 2 giảm khoảng 30-50% so với giai đoạn bình thường", bà Ngân Hà, trưởng phòng bán hàng đại lý Mitsubishi Phương Nguyên (quận Bình Tân) cho biết. "Thị trường đang rất chậm, người dân dè dặt khi chi tiêu cho một mặt hàng giá trị lớn và là tiêu sản như ôtô". Theo bà Ngân Hà, lượng khách đến showroom xem xe có ngày không có ai, có ngày lác đác 1-2 người.
Đại diện một số đại lý xe phổ thông khác như Toyota, Hyundai cho biết thanh khoản trên thị trường diễn ra chậm. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với các hãng xe sang. Đại diện một số hãng cho biết với những khách mua xe sang trả góp ảnh hưởng lãi suất còn nặng nề hơn nhiều, bởi khoản phải trả khá lớn.
"Nhu cầu hiện nay giảm khoảng 50% so với bình thường (tính cả kênh online), đơn hàng giảm 30%", ông Vĩnh Nam, trưởng phòng bán hàng đại lý Vietnam Star (Bình Dương) nói. "Năm 2023, Mercedes hay các hãng khác sẽ ra mắt nhiều mẫu xe mới nhưng với nhu cầu và tình hình kinh tế hiện nay, thật khó để kỳ vọng sức mua cao như năm vừa qua".
Nỗi lo lãi suất
Các chuyên gia cho biết, việc thị trường ảm đạm được dự đoán từ trước, bởi nhu cầu người dân co kéo và đặc biệt là ảnh hưởng nặng nền của lãi suất vay.
Ông Võ Quốc Bình, giám đốc điều hành công ty Bình Minh, doanh nghiệp chuyên kinh doanh ôtô cũ và các dịch vụ chăm sóc xe tại TP HCM, cho rằng tác động của dịch Covid-19 đến nay vẫn còn, thậm chí thay đổi thói quen mua sắm, di chuyển, sinh hoạt của người dân. "Dòng tiền tích lũy của người dân cạn dần. Ưu tiên của họ hiện nay đang dành cho những thứ thiết thực hơn là sản phẩm mang tính trải nghiệm, thụ hưởng như ôtô".
Ông Bình cũng nhấn mạnh ảnh hưởng từ các chính sách vĩ mô. Lạm phát, siết room tính dụng, lãi suất cho vay cao, bản thân các ngân hàng cũng duyệt cho vay khắt khe hơn... khiến nhu cầu mua sắm xe giảm mạnh.
Nếu so với trước đây, hiện người vay mua ôtô phải trả lãi suất cao hơn 3-4%. Ví dụ một người vay 500 triệu mua xe, mỗi năm sẽ phải trả thêm 45-50 triệu, tức mỗi tháng trên dưới 4 triệu đồng. "Với người có thu nhập tầm trung, đây là con số phải cân nhắc nhiều", trưởng phòng bán hàng một hãng xe Hàn Quốc cho hay.
Đồng quan điểm, ông Vĩnh Nam cho biết, việc lãi suất vay tăng cao như hiện nay đã tác động không nhỏ đến khách trả góp. Kinh doanh từ bất động sản hay các ngành nghề khác chững lại, dòng tiền thu vào ít hơn, áp lực trả lãi ngân hàng hàng tháng lớn, khiến người dân cân nhắc lâu hơn khi quyết định mua một chiếc xe sang. Với những khách hàng doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh, thu nhập ổn định, nhu cầu với xe sang vẫn có và ít bị ảnh hưởng bởi lãi suất vay cao.
Khuyến mãi, ưu đãi không hiệu quả
Để cứu một phần doanh số mất đi vì ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, các hãng và đại lý đua nhau giảm giá, khuyến mãi từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng, với nhiều hình thức. Toyota, Mitsubishi, Hyundai, Kia, Mazda, Volkswagen... hỗ trợ lệ phí trước bạ, giảm tiền mặt hoặc phụ kiện. Các hãng xe sang như Mercedes, Volvo, BMW... tặng gói bảo hiểm, dịch vụ bảo dưỡng, ưu đãi lãi suất vay.
Tuy vậy, những ưu đãi trước mắt được đánh giá là không thực sự hiệu quả, vì người mua xe còn tính toán tới cả chi phí sử dụng cũng như lãi phải trả (nếu mua trả góp) trong thời gian dài. Quan trọng hơn cả là tâm lý "thắt lưng buộc bụng" để đề phòng biến động kinh tế.
Hiện áp lực lên các hãng là chưa quá lớn, nguồn xe nhập khẩu hoặc lắp ráp tồn ở đại lý chưa quá đáng lo ngại. Nhưng chuyên gia đều cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục ảm đạm trong thời gian tới nếu những khó khăn hiện nay không có chuyển biến tích cực. Khi ấy, áp lực giải phóng hàng tồn kho, quay vòng nguồn tiền sẽ đè nặng lên đại lý, hãng.
Theo tính toán nội bộ của Hyundai Thành Công, mức sụt giảm doanh số toàn ngành trong 2023 so với 2022 có thể lên tới 17,5%, tức mất khoảng hơn 85.500 xe. Nếu nhìn dài hạn trong 5 năm nữa, hãng này tính toán sản lượng bán ra mất 37%.
"Lạc quan lắm thì cũng phải tới quý cuối năm may ra thị trường mới có thể phục hồi", ông Bình cho hay. Nhưng vị này cũng cho rằng đó là do nhu cầu mua sắm cuối năm đẩy lên, so với bức tranh chung vẫn khá ảm đạm so với năm ngoái.
Trong khi đó các hãng xe cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ từ chính phủ đủ lớn để tạo động lực cho người tiêu dùng, như khi gặp khó vì Covid-19 như ba năm qua. Còn với anh Hữu Phúc, người đang lăn tăn có đổi Mirage lên Triton hay không, cái đang lo trước mắt và quan trọng hơn là suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến kinh doanh các thiết bị nha khoa của anh như thế nào. "Tạm thời cứ đi xe cũ, nhỏ trước, sau này tính tiếp", anh nói.